Aikido là một môn võ thuật hiện đại của Nhật Bản, lấy sự hài hòa làm trung tâm hạt nhân lý luận của mình, mệnh danh là môn võ hòa bình. Hiện tại môn võ Aikido rất thịnh hành và phát triển ở rất nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, Aikido hiện đang phát triển rất nhanh trên khắp cả ba miền đất nước. Vậy Aikido đến với Việt Nam từ khi nào? Và ai là người có công đầu đưa Aikido đến Việt Nam?
Sensei Đặng Thông Trị (1928-1995) Người có công đưa Aikido tới Việt Nam |
Cuộc gặp duyên ngộ:
Đặng Thông Trị và Tadashi Abe
Câu chuyện bắt đầu vào năm 1952, Thầy Đặng Thông Trị sang Pháp du học, theo học khoa luật tại trường Đại học Sorbonne (Paris). Cũng vào năm này, Thầy Abe Tadashi Abe (lúc này mang đai 6 dan Aikikai) cũng sang Pháp với tư cách là một đại diện chính thức của Aikikai Hombu tiếp nối Thầy Minoru Mochizuki, đồng thời Sensei Tadashi Abe cũng nghiên cứu pháp luật tại đại học Sorbonne.
Sensei Tadashi Abe (1926 - 1984) Thầy của Thầy Đặng Thông Trị |
Tadashi Abe sensei vừa theo học ngành Luật vừa đứng lớp dạy Judo và Aikido ở đạo đường Jujutsu của thầy Mikinosuke Kawaishi. Thầy Đặng Thông Trị ghi danh học Judo và Aikido tại đạo đường này cho đến năm 1958 thì Thầy Trị về nước đồng thời cũng mang theo những kiến thức về Aikido đã học được từ Sensei Tadashi Abe và Sensei Mutsuro Nakazono.
Năm 1958, Aikido du nhập vào Việt Nam
Năm 1958, Thầy Đặng Thông Trị trở về nước giới thiệu môn võ Aikido rộng rãi cho công chúng. Một trong những nơi biểu diễn Aikido đầu tiên ở Việt Nam là phòng tập Hàn bái đường của võ sư Vũ Bá Oai.
Hai năm sau (1960), Hội Hiệp Khí Nhu Đạo Việt Nam chính thức thành lập, trụ sở đặt tại đạo đường Aikido ở khu Đakao (nhà số 94 đuờng Phan Thanh Giản- Sài Gòn) do võ sư Đặng Thông Trị làm chấp chưởng. Đạo đường này gọi là đạo đường Trung ương.
Một buổi tập Aikido ở đạo đường Dakao |
Cuối năm 1960, có một tin quý cho Aikido Việt Nam. Sensei Mutsuro Nakazono (*), sư phụ Thầy Trị đến Việt Nam để hỗ trợ việc xây dựng phong trào Aikido Việt Nam. Như vậy đại sư Mutsuro Nakazono là thầy Nhật bản đầu tiên đến Việt Nam phát triển bộ môn Aikido. Ông tham gia huấn luyện Aikido ở nhiều trung tâm thể thao khác nhau ở Sài Gòn trong quãng thời gian một năm rưỡi. Trước khi về nước, đại sư Mutsuro Nakazono có tổ chức cuộc thi huyền đai Aikikai đầu tiên ở Việt Nam. Thầy Đặng Thông Phong và nhiều thầy khác được phong nhất đẳng AikiKai trong kỳ thi này. Đại sư Mutsuro Nakazono về nước vào khoảng giữa năm 1962.
Sensei Mutsuro NaKazono, vị Thầy Aikido đầu tiên ở Việt Nam |
Khoảng một năm sau, giữa năm 1963, một sư phụ khác của Thầy Trị là võ sư lừng danh đất Pháp Tadashi Abe sang thăm Việt Nam và lưu lại Sài Gòn khoảng hơn 2 tháng. Trong quãng thời gian này, ngài thường xuyên tham gia huấn luyện Aikido tại Đạo đường Trung ương.
Năm 1964, Nobuyoshi Tamura shihan và phu nhân có ghé thăm Đạo đường Trung ương 3 ngày, và làm chủ khảo cho một cuộc thi nâng đẳng Aikikai lần thứ II. Lần nâng đẳng này có nhiều huyền đai nhất và nhị đẳng Aikikai người Việt được công nhận. Thầy Đặng Thông Phong và một số Thầy khác được nâng đai nhị đẳng còn một số Thầy lớp sau được công nhận đai nhất đẳng Aikikai trong kỳ thi này, một trong số đó có Thầy Đặng Văn Phát. Đây là lần thi nâng đẳng lần thứ II (năm 1964) được Aikikai công nhận tại Việt Nam. (lần thứ nhất vào năm 1962, do đại sư Mutsuro Nakazono làm chủ khảo).
Năm 1964, Aikido Việt nam chuyển giao lớp kế thừa
Vào khoảng tháng 10 năm 1964, Thầy Đặng Thông Trị được mời sang Mỹ dạy Judo ở trường Monterey, California. Thầy giao lại hai đạo đường Aikido. Một đạo đường trung ương ở Đakao giao cho thầy Dặng Thông Phong phụ trách, còn đạo đường ở Trung tâm thể dục thể hình (Centre Culturite) giao cho Gs. Bùi Duy Cảnh đảm nhiệm.Trong gần 7 năm (1958 – 1964), Thầy Đặng Thông Trị hầu như dành hết thời gian và tâm huyết xây dựng những viên gạch khởi đầu cho Aikido Việt Nam, và cũng là người đầu tiên đặt nền móng cho sự hội nhập Aikido Việt Nam với Aikido thế giới.
Tất nhiên ta không quên tâm sức của những vị đại sư khác như Tadashi Abe, Mutsuro Nakazono, Tamura Nobuyoshi và những võ sư người Việt khác như võ sư Đặng Thông Phong, võ sư Bùi Duy Cảnh ...
Nguồn tham khảo:
http://vi.wikipedia.orghttps://www.aikidojournal.com/encyclopedia?entryID=201
http://nakazono-aikido.blogspot.com/
http:// tadashi-abe.blogspot.com/
cùng nhiều trang web khác
0 nhận xét:
Đăng nhận xét